Học Phong Thủy Học Phong Thủy Author
Title: PHONG THUỶ HỌC P7: DƯƠNG TRẠCH TAM YẾU.
Author: Học Phong Thủy
Rating 5 of 5 Des:
DƯƠNG TRẠCH TAM YẾU. Sau khi đã lược sơ qua về một số thiết kế cho nội thất như cửa cái, bếp, phòng ngủ... và một số yếu tố ngoại ...
DƯƠNG TRẠCH TAM YẾU.


Sau khi đã lược sơ qua về một số thiết kế cho nội thất như cửa cái, bếp, phòng ngủ... và một số yếu tố ngoại vi, nay NCD xin giới thiệu với các anh chị, các bạn một trường phái trong Phong Thuỷ, đó là trường phái DƯƠNG TRẠCH TAM YẾU. Dương Trạch thì chúng ta đã biết là để chỉ nhà ở của người sống chúng ta, còn Tam Yếu là gì? Theo phái này luận, thì trong một ngôi Dương Cơ có ba điểm chính yếu, đó là: CỬA CÁI- BẾP (ở đây ý nói là Hỏa Môn tức Hướng miệng Bếp)- SƠN CHỦ hay PHÒNG CHỦ. Do đó mới gọi là Tam Yếu, tức chỉ ba điểm trọng yếu này.


Cũng như trường phái Bát Trạch Minh Cảnh, trường phái này cũng chia 8 cung Bát Quái ra làm hai nhóm: Đông Tứ Trạch và Tây Tứ Trạch.
_ Đông Tứ Trạch gồm các cung Khảm, Ly, Chấn, Tốn.
_ Tây Tứ Trạch gồm các cung Càn, Đoài, Cấn, Khôn.
Người có Quái số ở nhóm Đông Tứ Trạch thì ba điểm chính yếu nên an trí trong 4 cung thuộc Đông Tứ Trạch.
Ví dụ như: Người có Quái số là 9, là cung Ly, thuộc nhóm Đông Tứ Trạch; vậy thì 3 điểm chính yếu trong nhà cũng nên an vị ở các cung Khảm, Ly, Chấn, Tốn.
Người có Quái số ở nhóm Tây Tứ Trạch thì ba điểm chính yếu nên an trí trong 4 cung thuộc Tây Tứ Trạch.
Ví dụ như: Người có Quái số là 7, là cung Đoài, thuộc nhóm Tây Tứ Trạch; vậy thì ba điểm chính yếu trong nhà cũng nên an vị ở các cung thuộc Tây Tứ Trạch là Càn, Đoài, Cấn, Khôn.

1/. PHÂN LOẠI TRẠCH:
Theo trường phái Phong Thuỷ này, nhà ở được chia làm hai loại: Đơn Trạch và Phức Trạch. Sự phân chia này do việc nhà có phân ngăn hay không.
Nhà từ trước ra sau không phân chia ra ngăn nào cả thuộc về Đơn Trạch, tức là nhà đơn giản. Vậy thì ta có thể hiểu Phức Trạch nói nôm na là nhà bố trí phức tạp hơn, hay là nhà có phân ngăn. Nhà không có ngăn nào cả được gọi là TỊNH TRẠCH.
TỊNH TRẠCH thì lấy ba điểm chính yếu là: CỬA CÁI- BẾP- PHÒNG CHỦ (tức là căn phòng ngủ của gia chủ, căn phòng nằm ở một góc nào đó trong nhà).
Phức Trạch lại chia ra làm ba loại, mỗi loại có sự sắp xếp các sao trong các ngăn khác nhau. Sự phân loại này dựa trên số ngăn mà nhà đó có:
_ Từ 2 đến 5 ngăn là Động Trạch.
_ Từ 6 đến 10 ngăn là Biến Trạch.
_ Từ 11 đến 15 ngăn là Hóa Trạch.
Các loại nhà thuộc dạng Phức Trạch lấy ba điểm chính yếu là: CỬA CÁI- BẾP- và SƠN CHỦ (với SƠN CHỦ là mặt hậu của nhà, đối nghịch với hướng nhà vậy).

2/. CÁCH XÁC ĐỊNH CUNG CỦA 3 ĐIỂM CHÍNH YẾU:
_ CỬA CÁI: Từ mặt tiền nhà kéo một đường thẳng vuông góc với mặt tiền, lấy một đoạn bằng nửa chiều ngang mặt tiền. Đó chính là điểm đặt La bàn để xác định vị trí cửa cái. Dùng La bàn nhìn về hướng Cửa Cái xem đó là cung gì, đánh dấu vào sơ đồ nhà tên cung Cửa Cái.
_ BẾP: Từ trung tâm phòng Bếp (nếu là Phức Trạch), hay trung tâm nhà (nếu là Đơn Trạch), đặt La bàn nhìn về hướng Bếp, xác định xem Hỏa Môn xoay hướng gì, thì đó là cung của Bếp vậy. Cũng trong phái này có hai ý kiến khác nhau: Phái thì lấy ví trí đặt Bếp như bên Bát Trạch Minh Cảnh, là đặt ở vị trí xấu, ngó về hướng tốt; phái thì lấy vị trí đặt Bếp là tốt, ngó về hướng tốt luôn. Và hai phái này cứ tranh cãi suốt, luôn cho mình là đúng, đối phương là sai. Riêng NCD thì chủ trương theo phái đầu, tức đặt Bếp ở phương Hung trấn áp cái xấu, nhưng Miệng Bếp phải xoay hướng tốt. Tuy vậy, NCD tôi không chê cách nào cả, chỉ vì bản thân NCD thử nghiệm cách đầu trúng nên theo luôn, chưa thử qua cách sau, nếu quý vị nào muốn thì hãy thử xem.
_ PHÒNG CHỦ: Phòng Chủ không nhất thiết Trạch Chủ phải ngủ trong đó. Một căn Tịnh Trạch có thể có một phòng, có thể có nhiều phòng nhưng không phân ngăn thôi. Nếu có nhiều phòng thì phòng nào CAO-RỘNG- LỚN nhất sẽ được xem là phòng chủ.
Nếu chỉ có một phòng thì dù phòng đó nhỏ hẹp vẫn là Phòng Chủ. Một căn buồng chỉ che bằng màn, hay kê bằng tủ không được xem là Phòng Chủ; phải có tường vách hẳn hoi mới tính. Từ trung tâm nhà đặt La bàn nhìn về hướng Phòng Chủ xem đó là cung gì, thì đó là cung của Phòng Chủ vậy.
_ SƠN CHỦ: Từ vách mặt hậu, cũng làm như đối với mặt tiền, tức là kéo một đường thẳng vuông góc với mặt hậu, lấy một đoạn bằng nửa chiều ngang mặt hậu, đó là điểm đặt La bàn. Từ điểm đó, đặt La bàn nhìn về mặt hậu ấy xem là cung gì thì đó là cung của SƠN CHỦ vậy, phải nhìn theo đường vuông góc ấy mới chính xác nhé!

3/. AN DU NIÊN CHO TRẠCH:
Theo trường phái Phong Thuỷ này, một ngôi nhà có một Du niên ảnh hưởng đến sự Hưng Suy của nhà đó, tùy theo đó là Du niên tốt hay xấu. Để an Du niên cho nhà, thì TỊNH TRẠCH và PHỨC TRẠCH hơi khác một tý.
_ TỊNH TRẠCH: Từ cung của CỬA CÁI biến tới cung của PHÒNG CHỦ, được Du niên gì thì đó vừa là Du niên của PHÒNG CHỦ, vừa là Du niên của Trạch vậy.
Thí dụ: Cửa cái là ở cung Càn, còn Phòng Chủ là ở cung Cấn, hai cung biến với nhau, Càn phối Cấn là Thiên Y, vậy Du niên của Phòng Chủ là Thiên Y, mà Du niên của Trạch cũng là Thiên Y. Ta gọi đó là nhà Thiên Y Trạch.
_ PHỨC TRẠCH: Từ cung Cửa Cái biến tới cung của Sơn Chủ, được Du niên gì thì đó là Du niên của Trạch, cũng là Du niên của Sơn Chủ vậy.
Thí dụ: Cửa cái là ở cung Khảm, nhưng Sơn chủ là ở cung Khôn, hai cung Khôn, Khảm phối với nhau ra Du niên Tuyệt Mạng, vậy Du niên của Trạch là Tuyệt Mạng, và Du niên của Sơn Chủ cũng là Tuyệt Mạng vậy. Ta gọi đó là nhà Tuyệt Mạng Trạch.
Do có sự phân chia thành hai nhóm Đông Tây, nên khi phối hợp với nhau tất có tốt, có xấu. Các cung cùng nhóm phối với nhau sẽ cho ra các Du niên tốt, các cung khác nhóm khi phối với nhau sẽ cho ra các Du niên xấu vậy. Các anh chị, các bạn có thể xem lại các bài đầu trên mục Phong Thuỷ này, để thấy cách phối hợp giửa các cung Bát Quái với nhau.
Mỗi một Du niên tốt xấu đều có một Sao đi kèm với nó, và ngôi sao đó thể hiện rõ tính tốt xấu của Du niên đó. Nghĩa là: Du niên tốt thì đi kèm với Cát Tinh, Du niên xấu thì đi kèm với Hung Tinh. Dưới đây, NCD xin kê ra tên và sự tương ứng của các Du niên với các sao để các anh chị, các bạn tiện xem nhé!
_ Sanh Khí ứng với sao THAM LANG, thuộc hành MỘC.
_ Thiên Y ứng với sao CỰ MÔN, thuộc hành THỔ.
_ Diên Niên ứng với sao VŨ KHÚC, thuộc hành KIM.
_ Phục Vì ứng với sao PHỤ BẬT, thuộc hành MỘC.
_ Tuyệt Mạng ứng với sao PHÁ QUÂN, thuộc hành KIM.
_ Ngũ Quỹ ứng với sao LIÊM TRINH, thuộc hành HỎA.
_ Lục Sát ứng với sao VĂN KHÚC, thuộc hành THỦY.
_ Họa Hại ứng với sao LỘC TỒN, thuộc hành THỔ.

PHIÊN TINH (sắp xếp Sao)

A.TỊNH TRẠCH


Với Tịnh Trạch thì rất đơn giản. Từ cung Cửa Cái, biến tới cung Phòng Chủ xem được Du niên gì , thì đó là Du niên của Phòng Chủ, cũng là Du niên của Trạch. Đương nhiên vì Sao tương ứng với Du Niên đó cũng là Sao của Phòng Chủ, và là Sao của Trạch luôn vậy.
Từ cung Cửa Cái , biến tới cung của Cửa Buồng, ta sẽ có Du niên & Sao của Cửa Buồng_ đây là một yếu tố phụ để luận đoán thêm về người ngủ ở phòng đó vậy. 

B.PHỨC TRẠCH


I/. AN DU NIÊN VÀ SAO CHO NGĂN ĐẦU:
Do Phức Trạch có nhiều ngăn, nên việc phân bố Du niên & Sao cho các ngăn cũng phức tạp hơn. Việc an Du Niên & Sao của các ngăn sau, trong Phức Trạch, phụ thuộc rất lớn vào việc An Du Niên cho ngăn đầu, nếu sai ngăn đầu coi như các ngăn sau sai hết. Vì sao thế? Bởi trong Phức Trạch, các Sao tịnh tiến vào trong theo chiều tương sanh của Ngũ Hành của các Sao.
Ví dụ như: Ngăn đầu ta có Lục Sát Thủy đi, thì ngăn kế sẽ là Mộc (vì Thuỷ sinh Mộc), tương ứng với Sao Tham Lang- Du niên Sanh Khí; ngăn kế nữa sẽ là hành Hỏa (vì Mộc sinh Hoả), tương ứng với Sao Liêm Trinh- Du niên Ngũ Quỹ... Do đó, việc An Du Niên cho ngăn đầu thật chính xác rất quan trọng!!!
Để An Du niên cho ngăn đầu trong Phức Trạch, ta cần xác định Cửa Cái thuộc CHÍNH MÔN hay là THIÊN MÔN.
Cửa Cái CHÍNH MÔN là cửa ngay chính giửa nhà vậy, trường hợp nhà xưa có ba gian, có ba bộ cửa, đương nhiên phải xét cửa nào là cửa chính thường được sử dụng nhất rồi. Khi ấy, không tiện thì ta có thể sử dụng cửa bên, nếu nó tạo ra hiệu quả tốt (Việc này NCD sẽ có chứng minh bằng ví dụ trong phần sau).
Như vậy ta dễ dàng hiểu ra cửa nằm một bên nhà là cửa THIÊN MÔN rồi.
Với mỗi vị trí CHÍNH hay THIÊN thì cách phối hợp Sao cũng khác.
  1/. CỬA CHÍNH MÔN:
Cửa này là cửa trùng với Hướng nhà. Với Cửa Chính Môn thì cách phối hợp là bình thường: Từ cung Cửa Chính Môn biến tới cung Sơn Chủ, ta được Du niên gì, ứng với Sao gì, thì đó là Du niên của Trạch, Du niên của Sơn Chủ, cũng là Du niên của ngăn đầu_ Sao tương ứng với nó cũng được An cho ngăn đầu.
Ví dụ: Nhà Tọa Càn, Hướng Tốn, có cửa Chính Môn, có 4 ngăn.
Trước tiên, ta thấy cửa Chính Môn thì trùng với Hướng, vậy đó là Cửa Tốn. Từ Cửa Tốn biến tới Sơn Chủ Càn (Sơn Chủ chính là Tọa, là mặt hậu của nhà), ta được Du niên Họa Hại & Sao ứng với nó là Sao Lộc Tồn thuộc Thổ. Ta có ngăn đầu là Lộc Tồn_ Họa Hại Thổ. Ở ngăn kế sẽ là Vũ Khúc_ Diên Niên Kim. Ngăn kế nữa là Văn Khúc_ Lục Sát Thủy. Và ngăn cuối là Tham Lang_ Sanh Khí Mộc.
Nhà đó sẽ được gọi là nhà HỌA HẠI TRẠCH.
  2/. CỬA THIÊN MÔN:
Trước tiên ta hãy dùng La Bàn xác định cung của Cửa Thiên Môn này đã. Kế đến từ cung của Cửa Thiên Môn biến tới Hướng nhà, đó chính là Du niên của ngăn đầu vậy.
Muốn xác định Du niên của Trạch, Du niên của Sơn Chủ thì ta lấy từ cung của Cửa Thiên Môn biến tới cung Sơn Chủ, đó là Du niên của Sơn Chủ, và Du niên của Trạch vậy.
Thí dụ: Nhà Tọa Ly, Hướng Khảm, cửa bên trái thuộc cung Càn, nhà có 3 ngăn.
Trước tiên ta lấy từ cung Cửa biến tới Hướng: Càn với Khảm phối nhau cho ra Du niên Lục Sát Thủy, ứng với Sao Văn Khúc. Ta An Sao này và Du niên này vào ngăn đầu để tính tiếp các ngăn sau. Ngăn đầu ghi vào đó là Văn Khúc_ Lục Sát Thủy. Ngăn giửa ghi vào Tham Lang_ Sanh Khí Mộc. Ngăn cuối ghi vào Liêm Trinh_ Ngũ Quỹ Hỏa.
Kế đến ta tìm Du niên cho Trạch & Du niên cho Sơn Chủ. Từ cung của Cửa Thiên Môn biến tới cung của Sơn Chủ, ta có Càn phối với Ly là Tuyệt Mạng, đó là Du niên của Sơn Chủ lẫn Du niên của Trạch vậy. Ta gọi nhà đó là TUYỆT MẠNG TRẠCH.

II/. CÁCH PHÂN BỐ SAO Ở ĐỘNG TRẠCH (từ 2 đến 5 ngăn): 
Cách mà NCD di chuyển Sao như trên là cách di chuyển Sao của loại Động Trạch này đó. Đọc đến đây ắt các anh chị, các bạn sẽ có thắc mắc: Sao thì có đến 8 Sao, trong đó có 2 sao Kim, 2 sao Thổ, 2 sao Mộc, vậy gặp ngăn phải phân Sao Mộc hay sao Kim thì dùng Sao nào?
Xin thưa rằng ở Động Trạch chỉ dùng 5 Sao làm chính, đó là: Tham Lang, Văn Khúc, Vũ Khúc, Liêm Trinh & Cự Môn. Trừ trường hợp các Du niên phối nhau ra các sao Lộc Tồn, Phá Quân & Phụ Bật thì mới an Sao đó vào ngăn đầu thôi. Ngoài ra, các trường hợp Du niên ngăn đầu không phải là Họa Hại, Tuyệt Mạng, Phục Vì thì chỉ dùng 5 Sao kia.

III/. CÁCH PHÂN BỐ SAO Ở BIẾN TRẠCH (từ 6 đến 10 ngăn): 
Trong trường hợp An Sao cho Biến Trạch, thì mới dùng thêm bốn sao phụ ngũ hành kia. Tuy gọi là bốn sao nhưng thực tế chỉ có...3 rưởi thôi, vì Sao Phụ Bật chỉ có tác dụng phân nửa thôi, lực nó yếu hơn hẳn các sao khác.
Như vậy ngoại trừ Thuỷ và Hoả chỉ có một Sao, còn lại các nhóm ngũ hành kia đều có một đôi sao. Trong trường hợp gặp các nhóm ngũ hành có đôi sao thì dùng liên tiếp cả đôi sao cho 2 ngăn liền nhau.
Tuy nói vậy, nhưng không phải nhà BIẾN TRẠCH nào cũng dùng hết các đôi sao, còn tùy thuộc vào số ngăn của nó:
_ Biến Trạch có 6 ngăn: Chỉ dùng đôi sao đầu tiên mà nó gặp.
_ Biến Trạch có 7 ngăn: Chỉ dùng hai đôi sao đầu mà nó gặp.
_ Biến Trạch có 8-10 ngăn mới dùng đú cả ba đôi sao.
Đến đây lại nảy sinh vấn đề: Thế gặp đôi sao thì an sao nào trước? Đây là mấu chốt của vấn đề, nếu quý vị nào đọc đến đây mà nêu ra câu hỏi ấy liền thì chắc chắn vị đó rất ham mê tìm tòi về Phong Thuỷ vậy. Ngoại trừ trường hợp ngăn đầu & ngăn kế có đôi sao, vì khi đó đã có sao ở ngăn đầu tính theo Du niên biến ra. Các trường hợp ở sau thì sự an bố các đôi sao theo luật nhất định :
_ Gặp đôi sao thuộc Mộc thì PHỤ BẬT trước, THAM LANG sau.
_ Gặp đôi sao thuộc Kim thì VŨ KHÚC trước, PHÁ QUÂN sau.
_ Gặp đôi sao thuộc Thổ thì: LỘC TỒN trước, CỰ MÔN sau.

IV/. CÁCH PHÂN BỐ SAO CHO HÓA TRẠCH (từ 11 đến 15 ngăn): 
Vẫn áp dụng như phần Biến Trạch, và cứ thế xoay cho đến ngăn chót.


NGĂN CHÁNH & SAO CHÚA
**********


Như ta thấy, mỗi ngăn có một sao trấn giữ, Du niên chỉ là cái để ta tìm ra Sao ở các ngăn thôi, thật ra, chính các Sao đó mới chi phối sự Cát Hung của các ngăn đó vậy.
Sau khi an Sao cho từng ngăn rồi, người ta mới tìm 1 Sao làm Sao Chúa. Vì sao phải cần 1 Sao Chúa? Do trong Phức trạch có nhiều ngăn, nên cần chọn một ngăn chánh có Sao tốt để phát huy hiệu lực vượt trội của sự tốt đẹp, hầu trấn áp các ngăn xấu hại có Hung Tinh, nhất là với các căn nhà có tên Ác hại_ tức các Hung Du niên Trạch.
Thường khi chọn Ngăn Chánh, người ta ít chọn các ngăn đầu lắm, vì nó xa Sơn Chủ. Trong Phong Thuỷ, khi không xét đến LONG 9tức Long Mạch), thì Sơn Chủ biểu tượng cho Trạch Chủ vậy, nên người ta luôn tìm cách củng cố nó, bồi bổ nó, hỗ trợ nó. Chính vì thế, khi chọn Ngăn Chánh người ta mới thường chọn ngăn gần với Sơn Chủ, hoặc trực ngộ Sơn Chủ. Một căn cao lớn hơn, rộng rãi hơn, sạch sẽ hơn các ngăn khác mới đáng gọi là Ngăn Chánh. Nói một cách dễ hiễu nhất, cứ căn cứ vào Thể Tích của Ngăn, thể tích ngăn nào lớn nhất thì đó là Ngăn Chánh vậy. Đây chính là một điều mà một số thầy Phong Thuỷ trong trường phái này lầm lẫn. Cứ nhìn thấy Diện Tích lớn hơn đã vội vàng cho đấy là Ngăn Chánh thì tai hại vô cùng!!
Ví dụ: Một ngăn ngang 3m, dài 4m, cao 6m (vì không vướng gác lửng bên trên, lại không có la-phông); một ngăn ngang 4m, dài 4m , cao 3m.
Nếu chỉ nhìn sơ theo diện tích tất phán đoán rằng ngăn sau lớn hơn ngăn trước. Ta thử làm phép tính nhân xem: 3m x 4m x 6m= 72 m3
4m x 4m x 3m= 48 m3.
Một trời một vực phải không quý vị? Nếu như Ngăn chọn lầm đó mà do một Hung Tinh trấn ở đó thì thử hỏi tai hại cỡ nào? Trong Phong Thuỷ, chỉ cần một tính toán sai lầm của người thầy, thì có thể tai họa lập tức giáng xuống đầu gia chủ liền tức thời. Do đó, nếu muốn chọn Ngăn Chánh với Sao tốt hỗ trợ cho nhà, thì xin hãy cẩn thận xét cả chiều cao của ngăn đó!!!
Ngăn Chánh thì Sao của nó được gọi là SAO CHÚA.
Cùng với Du Niên Trạch, Sao Chúa góp phần chi phối sự lành dữ, cát hung của những người sống ở nhà đó. Do vậy, phải chọn Sao Chúa là một Cát Tinh mới đem lại lợi ích cho những người sống ở nhà đó.
Và tốt hơn nữa, Cát Tinh đó phải hữu lực như: Đắc Vị, Đăng Điện hay tốt bậc nhất là NHẬP MIẾU.
_ Cát Tinh Đắc Vị là chỉ Sao có Ngũ Hành Tương Sanh với Ngũ Hành của cung.
_ Cát Tinh Đăng Điện là chỉ Sao có Ngũ Hành trùng với Ngũ Hành của cung.
Ví dụ như: hai cung Cấn- Đoài biến ra Vũ Khúc- Diên Niên Kim. Vậy thì so với cung Cấn thì Sao Vũ Khúc Đắc Vị, nhưng so với cung Đoài thì Sao Vũ Khúc là Đăng Điện.
_ NHẬP MIẾU là chỉ trường hợp Ngăn Chánh là ngăn cuối cùng, tức Sao Chúa trực ngộ Sơn Chủ, giáp với Sơn Chủ.
Khi một căn nhà đã có Du Niên Trạch là một Cát Du Niên, lại thêm Sao Chúa là một Cát Tinh hữu lực thì khác nào như gấm thêu hoa, như Rồng mây gặp hội, nhà càng hưng thịnh lâu bền.
Khi một căn nhà có Du Niên Trạch là một Hung Du Niên, ta càng cần chọn một Sao Chúa là Cát Tinh hữu lực, nhắm áp chế bớt Hung Tinh. Trường hợp này, các nhà Phong Thuỷ gọi là YỂM SÁT TRẠCH.
Khi gặp trường hợp này, thì tác dụng tốt của Sao Chúa sẽ bị giảm đi 1/3 đến 1/2 hiệu lực tốt đẹp vốn có của nó. Thời gian còn lại, hiệu lực của nó rất yếu, khó chống ngăn nếu có thêm Hung Tinh nào nữa.
TUYỆT ĐỐI KỴ lấy Sao Chúa là môt Hung Tinh, nếu Hung Tinh này Đắc Vị, Đăng Điện hay Nhập miếu nữa thì càng thập phần nguy khốn cho gia chủ. Ví như một kẻ hôn quân bạo chúa mà lên nắm quyền sinh sát vậy, tha hồ mà hành hung tác ác, gieo tai rắc họa.
Bất đắc dĩ lắm người ta mới dùng Cát Tinh Thất Vị (là chỉ Sao tương khắc với Cung) làm Sao Chúa. Vì một Cát Tinh Thất Vị có khác gì cá trên cạn, cọp xuống đồng bằng đâu, chẳng làm được gì. 


CUNG VÀ SAO
*****



Ở đây, ta chỉ xét các Cung trọng (tức là các Cung: Cửa Cái, Bếp và Sơn Chủ hay Phòng Chủ), không bàn đến các Cung Khinh (tức là các Cung: Cửa ngõ, Cửa Bếp, Cửa Buồng). Trong ba Cung Trọng này lại chia ra làm hai: Cung bên ngoài và Cung bên trong.
_ Cung bên ngoài (ngoại) là Cửa Cái.
_ Cung bên trong (nội) là Bếp và Sơn Chủ hay Phòng Chủ
Điều đầu tiên mà NCD muốn nói đến là một điều... xưa như Trái Đất :

1/. CÔ ÂM BẤT SINH, ĐỘC DƯƠNG BẤT TRƯỞNG:
Vâng, điều này NCD luôn nhắc mãi. Đây là LÝ của Dịch, cũng là LÝ của Phong Thuỷ_ dù theo bất kỳ trường phái nào thì cũng không thể gạt bỏ ý này, xin hãy nhớ!!!
Vậy thì khi nào sẽ rơi vào trường hợp này? Ấy là khi hai Cung Thuần Âm hay Thuần Dương. Khi ấy, dù cho có giao phối nhau cho ra Cát Du Niên, thì sự tốt đẹp ấy cũng không được bền lâu. Cũng như hai vợ chồng vậy thôi, người này nóng (Dương ) thì người kia phải nguội (Âm) chứ, nếu không chắc tan hoang nhà cửa quá. Việc phân cung Âm, Dương này ta có thể chủ động được, nên khi phối Cung, ta không chỉ xét Du Niên tốt, mà nên xem cả việc nó có đú Âm Dương chưa? Nếu thiếu thì ta tìm cách bổ khuyết vào.
Ví dụ 1: Nhà có cửa Tốn, Sơn Chủ Khảm. Phối với nhau được Sanh Khí Trạch, lại đủ Âm Dương tất phát dài lâu vậy.
Ví dụ 2: Nhà có Cửa Cái Khảm, Sơn Chủ Chấn. Phối với nhau được Thiên Y Trạch, nhưng đây là hai Cung Thuần Dương không sanh hóa, ở lâu nhà này sẽ dẫn tới Tuyệt tự. Ta có thể dùng Bếp Ly Âm để trung hòa lại, tất phát bền lâu vậy.
Các Cung Bát Quái phân Âm Dương, NCD đã có nói rồi, nay xin nhắc lại:
_ Cung Dương: Càn vi Lão Ông, Khảm vi Trung Nam, Cấn vi Thiếu Nam, Chấn vi Trưởng Nam
_ Cung Âm : Tốn vi Trưởng Nữ, Ly vi Trung Nữ, Khôn vi Lão Mẫu, Đoài vi Thiếu Nữ.

2/. NGOẠI SINH NỘI_ NỘI SINH NGOẠI: 
Ngoại sinh Nội, là ngoài sinh vào trong, như Cung Cửa Cái sinh Cung Bếp, Cung Cửa Cái sinh Cung Sơn Chủ (hay Phòng Chủ). Quan hệ này gọi là SINH NHẬP. Hiệu ứng tốt đẹp sẽ đến sớm và nhanh, sự hanh thông trong gia đình thuận lợi hơn và dễ dàng hơn.
Ví dụ: Cửa Tốn, Sơn Chủ Ly. Được Thiên Y Trạch, lại có Cửa Tốn Mộc ở ngoài sinh vào trong cho Sơn Chủ Ly Hỏa nên phát rất nhanh. Tuy hai Cung này Thuần Âm, nhưng ta có thể dùng Bếp Khảm, hay Bếp Chấn trung hòa thì vẫn phát lâu bền được.
Nội sinh Ngoại, là ở trong sinh ra ngoài, như Cung Sơn Chủ (hay Cung Phòng Chủ) sinh ra Cung Cửa Cái, Cung Bếp sinh ra Cung Cửa Cái. Quan hệ này gọi là SINH XUẤT. Hiệu ứng tốt đẹp sẽ đến trễ và chậm vì nhịp độ thưa thớt, sự hanh thông trong gia đình do cần lao đưa đến hơn là duyên may.

3/. NỘI KHẮC NGOẠI_ NGOẠI KHẮC NỘI: 
Nội khắc Ngoại là ở trong khắc ở ngoài. Là Cung Sơn Chủ (Phòng Chủ) khắc Cung Cửa Cái, Cung Bếp khắc Cung Cửa Cái. Quan hệ này gọi là KHẮC XUẤT. Trong trường hợp này, dù người trong nhà chống chế được ngoại cảnh, nhưng cuối cùng vẫn là sự hao tổn tinh thần và vật chất. Bán Hung.
Ngoại khắc Nội là ở ngoài khắc vào trong. Là Cung Cửa Cái khắc Cung Sơn Chủ (Phòng Chủ), Cung Cửa Cái khắc Cung Bếp. Quan hệ này gọi là KHẮC NHẬP. Rơi vào trường hợp này, nạn tai sẽ đến nhanh và bất ngờ, không biết đâu mà lường, và khó ứng phó, xoay trở, họa này do bên ngoài đưa đến.
_ Cung bị khắc là Càn: Người đàn ông lớn tuổi trong nhà, cha, ông bệnh đau, họa hoạn, vô năng, bất lực vì không thể thi thố được tài trí của mình.
_ Cung bị khắc là Đoài: Khốn khổ cho con gái út, cháu gái nhỏ.
_ Cung bị khắc là Khôn: Tổn hại cho Lão mẫu, người bà- mẹ- vợ trong nhà.
_ Cung bị khắc là Ly: Tổn hại cho con gái, cháu gái giửa, trung nữ.
_ Cung bị khắc là Tốn: Tổn hại cho con gái, cháu gái lớn, tức hạng nữ nhân trung tuổi trong nhà.
_ Cung bị khắc là Chấn: Tổn hại cho hàng nam nhân trọng tuổi như con trai trưởng, cháu trai trưởng trong nhà. Đặc biệt nếu chỗ đó là Từ Đường thì bất kể Trưởng Tử, Trưởng Tôn nội, ngoại đều bị khắc cả. Xin cẩn thận!!!
_ Cung bị khắc là Cấn: Tổn hại cho con trai nhỏ, con trai út, cháu trai nhỏ, thiếu nam (ở đây cũng có thể là... con trai dòng thứ).
_ Cung bị khắc là Khảm: Tổn hại cho con trai giửa, cháu trai giửa, trung nam trong nhà.

4/.NGOẠI CHIẾN_ NỘI CHIẾN: 
Sao được coi là yếu tố bên ngoài, vì nó còn phài do các Cung hỗ biến với nhau mà ra, như là các yếu tố ngoại lai vậy. Các Cung được xem là các yếu tố bên trong, bởi chúng là yếu tố có sẵn nằm trên địa bàn, như cái gốc rễ bên trong vậy.
_ Sao khắc Cung: Là ngoài khắc vào trong, được gọi là Ngoại chiến, ví như kẻ gây chiến từ bên ngoài đến vậy.
_ Cung khắc Sao: Là trong khắc ra ngoài, được gọi là Nội chiến, như người trong nhà ra ngoài sinh sự vậy.
Theo Dương Trạch Tam Yếu thì cho rằng: Mỗi trường hợp Nội Chiến sẽ giảm 50% tốt. Mỗi trường hợp Ngoại Chiến sẽ giảm 30% tốt.
Theo NCD thì nói như vậy nghe có vẻ không hợp lý! Vì sao? Ta thử nghĩ xem nhé:
Nội Chiến là Cung khắc Tinh, là trong khắc ra ngoài, ví như người trong thắng thế, tức Cung còn khả năng chế ngự Hung Tinh, khiến Hung Tinh cũng phải kiêng dè không dám hành hung nữa. Vậy thì phần xấu phải giảm đi nhiều hơn chứ, sao lại giảm đến 50% tốt?!
Còn Ngoại Chiến là Sao khắc Cung, là ngoài khắc vào trong, ví như người trong nhà yếu thế. Khi ấy Hung Tinh thắng thế, ví như tiểu nhân đắc chí, tha hồ tác yêu tác quái, hoành hành bá đạo. Thế thì phần Hung Hại của chúng càng nhiều hơn, sao chỉ giảm có 30% tốt?!



About Author

Advertisement

Post a Comment

 
Top